
Phật pháp thời nay bị “ô nhiễm” rất nhiều vì tiền bạc, danh lợi. Cuộc đời này, chúng sinh bị bao vây bởi những nỗi sợ (nghèo đói, bệnh tật, tán gia bại sản, sợ cái chết sẽ ập tới bất cứ lúc nào v.v…) nhưng lại biếng nhác trong việc thực hành pháp.
Tại sao những buổi lễ hàng tuần vẫn được Đạo sư duy trì, bởi đó là cách tốt nhất giúp hành giả Mật thừa tích lũy công đức. Từng bộ kinh được tụng đọc trong các buổi lễ đều được chính Đạo sư dịch và soạn thảo thành văn bản để hành giả tu tập. Hành giả khó có thể biết được những công việc mà một vị Đạo sư làm cho chúng sinh nên biết trân quý những gì ngài trao truyền.
Hành giả nên nhớ: công đức của mỗi một Ba La Mật của một vị Bồ Tát khi thực hành lớn hơn và đưa đến thành tựu cao hơn nhiều lần công đức khi chỉ coi việc tu như việc “đối phó”. Nếu chỉ vì có sự có mặt của Đạo sư mới tham gia thì có lẽ việc thực hành đều đặn và tự giác đã không còn ý nghĩa gì.
Nếu như hành giả vẫn còn chìm trong nỗi sợ bị đọa lạc trong tam đồ khổ, sợ phải lăn lộn chìm đắm trong khổ não, sợ phước báu không đủ để giàu sang, sợ cuộc sống không đủ đầy, sợ thiếu thốn v.v… thì việc hành giả tham dự lễ là một cách góp công đức chứ không phải chỉ vì có Đạo sư mới đi thực hành.
Chúng ta tham dự lễ là dâng lời cầu nguyện, phẩm vật lên chư Dakini, các vị Hộ pháp và Hộ thần để được tịnh hóa các lỗi lầm trong đời sống, xin chư vị gia hộ và độ trì, xin được hồi hướng công đức cho các oan gia trái chủ. Những chúng sinh nào đang chịu khổ thì xin khổ não tiêu tan, những chúng sinh nào đang hưởng an lạc xin được trọn vẹn sự an lạc. nguyện cầu cho bản thân được tăng trưởng công đức, tiêu trừ nghèo đói, tăng trưởng thịnh vượng, hạnh phúc. Dù chỉ một lần tham gia lễ nếu thấy được dù chỉ là pháp tòa, bộ y phục, đạo cụ của Đạo sư thì sự bảo hộ và phước báu đều là như nhau!
Đức Phật thuyết pháp 49 năm, có những chúng sinh không đủ cơ duyên được gặp ngài, nhưng vì lòng tịnh tín thì kể cả khi không được thấy Phật công đức vẫn là như nhau. Hãy chứng tỏ rằng giáo pháp thanh tịnh mà Đức Phật truyền dạy lại là chân lý soi tỏ mọi nẻo. Hãy nhớ đến những điều tịnh tín mỗi khi dâng cúng lên Tam Bảo, hãy nguyện tới 10 danh hiệu của Đức Phật (Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn).
Hành giả đã bước chân tới Phật đường được nghe giáo pháp của Đức Phật, được khuyên tu tập và thực hành chứ không tin vào những mê lầm của những điều mê tín. Dòng truyền thừa từ một bậc thanh tịnh trao truyền, các thành tựu giả liên tục tái sinh chính là ân phước mà chư tổ dày công gây dựng, vì lẽ đó thì đừng để sự biếng nhác, trễ nải, vô minh làm khổ bản thân mình. Sự làm biếng sẽ không có từ nào có thể chối cãi được. Đạo sư chưa bao giờ rời bỏ đệ tử ngay cả khi không đệ tử không thấy Đạo sư. Cũng vì chúng sinh mà Đạo sư đã phát ra 14 lời nguyện để thức tỉnh chúng sinh đang lầm lạc, để họ biết rằng vô thường là điều không thể nói trước nhưng chỉ hành giả nào chăm chỉ tu tập với sự tự giác mới có thể nhận được sự gia trì tốt nhất khi Đạo sư trao truyền quán đảnh và các pháp tu. Những lời nguyện chân thành từ kim khẩu của Đạo sư là những lời chân thật vì mong muốn chúng sinh đều nhận được sự bảo hộ.
Không có phước báu tự trổ sinh, công đức không được tích tập thì khi nghiệp trổ ra sẽ không có gì cứu giúp được chính bản thân mình. Ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử nhưng để vượt qua điều đó một cách nhẹ nhàng nhất thì hãy thức tỉnh mà chú tâm tu hành.
~H.H 17th Kadam Dharmaraja Vajrayana Tulku Dongchen Rinpoche~
Trích bài răn dạy của Đạo sư ngày 31.12.2023