Tôn ảnh: Đức Varja Yogini
Bạn phải quả quyết rằng những bậc thầy hiện tại của bạn là Phật thật, là những tác nhân thi hành thiện sự của chư Phật. Nhưng bạn vẫn không thấy thầy mình là Phật được. Bạn nói, “Tôi chỉ thấy họ như người thường, vì tôi thấy nơi họ có những lỗi này lỗi kia.” Ta hãy phân tích điều này.
Những gì ta trông thấy thì không đáng tin cậy, không chắc chắn. Cái nhìn của chúng ta do nghiệp của ta mà có. Chúng ta đã tạo một vài loại nghiệp này mà không tạo những nghiệp khác, nhưng ta không thể bảo mình có nghiệp này, không nghiệp kia. Chandrakìrti nói trong tác phẩm Thực Hành Trung Đạo rằng: “Một quỷ đói thấy dòng sông là mủ chảy…” Khi ba loại chúng sinh có nghiệp khác nhau – một vị trời – một con người và một ngạ quỷ – nhìn một bát nước giải khát, thì một chúng sinh thấy ra là cam lồ, một thấy là nước một thấy là mủ máu. Đối với quỷ đói thì mặt trăng mùa hạ có vẻ nóng và mặt trời mùa đông có vẻ lạnh. Mật điển Bánh Xe Thời Gian và luận Abhidharma (Thắng pháp) được lập cho hai hạng đệ tử; trong một bài giảng núi Tu Di được mô tả là tròn, trong bài khác lại nói vuông. Bậc thầy Vô Trước trông thấy bồ tát Di Lặc dưới hình dạng hai con chó què hai chân sau, đầy dòi bọ hôi thối. Buddhajnàna trông thấy Đức Văn Thù dưới dạng một thầy tu ăn ở với một phụ nữ, cày ruộng, và ăn cháo nấu bằng dòi. Tất cả người địa phương chỉ thấy Tilopa là một ông chài điên khùng mà không bao giờ ngờ ngài là một hành giả vĩ đại, và ngay cả Naropa cũng thấy ông ta đang nướng một con cá sống. Krshnàcharya trông thấy Vajravaràhi như một phụ nữ bị phong cùi. Bởi thế chúng ta phải mừng những vị thầy hướng đạo tâm linh cho ta không hiện tướng một con ngựa, con chó hay con lừa – mà ta thấy thầy là một con người. Chaen Ngawa Lodroc Gyaelsaen nói:
“Xét số lượng ác nghiệp của chúng ta
Và những chướng ngại do nghiệp
Thì ta có thể cho mình may phước
Vì được trông thấy thầy như một con người.
Đã không thấy thầy ra con chó hay con lừa.
Bởi thế hãy kính lễ bậc thầy từ đáy lòng ngài,
Hỡi người con của đấng Thích Ca”.
Lại nữa, tướng bên ngoài là không đáng tin cậy: vì mọi sự có vẻ như thật có, nên ta có thể rút ra kết luận sai lầm rằng nó có thật.
Một lần có vị tỳ kheo khá nước đi tìm nước uống và thấy một ngạ quỷ. Con quỷ không trông thấy sông Hằng mặc dù thực sự nó đang bước trên ấy.
Lại nữa, không phải chỉ vì bạn không thể thấy bậc thầy như Phật thật, bởi vì bạn không có dòng tâm thức của một người có đủ phước đức để thấy như vậy. Nghĩa là bạn không có nhận thức đặc biệt giúp bạn trông thấy thầy theo cách ấy.
Điều ấy hoàn tất sự phân tích của chúng ta.
Ngay cả khi một người nào không có vẻ gì là Phật, thì cũng không có nghĩa rằng vị ấy không phải là Phật. Và dù cho người ấy có vẻ như Phật thật, thì bạn cũng không thể bảo đảm ông ta thật là Phật. Một hôm A la hán Ưu bà cúc đa (Upagupta), vị tổ thứ tư trong Phật giáo, đang giảng Pháp, có con quỷ Kàmadeva quấy rối. Ngài hàng phục được con quỷ và bảo, “Ta chưa hề gặp Phật, vậy ngươi làm ơn biến hóa ra giống hệt ngài cho ta xem.” Quỷ liền hiện hình Phật đủ tướng hỏa tướng phụ, vân vân, không thêm bớt. Tôn giả Ưu ba cúc đa suýt sụp lạy vì được diện kiến đức Thế tôn, nhưng quỷ liền biến mất không để cho ngài kịp đảnh lễ.
Trong quá khứ, những hành giả vĩ đại như Long Thụ hiện tướng những thầy tỳ kheo thường, nhưng kỳ thực các vị vấy đều là Phật.
Lại nữa, nếu những tà kiến về lỗi của thầy sanh khởi, thì bạn không nên chấm dứt chúng ngay. Ví dụ, trước khi giặt áo dơ bạn phải xem kỹ từng vết bẩn. Cũng thế, bạn nên để cho những tà kiến ấy (về lỗi lầm của thầy) sanh khởi. Tại sao? Vì bạn không biếc bậc thầy có những lỗi lầm dường như ấy hay không. Như tôi đã vạch ra, tại sao những tướng do nghiệp thấy lại không thể sai lầm? Người có bệnh về mật sẽ thấy một võ ốc trắng thành ra vàng; một người bệnh phong sẽ thấy núi tuyết hơi xanh; người ngồi trên thuyền đang đi thì thấy cây trên bờ như chuyển động; người mắt bị vảy cá thì có ảo giác trông thấy tóc rụng, vân vân.
Nếu những nguyên nhân sai lầm tạm thời nhỏ nhặt ấy có thể che mờ chúng ta dến thế, thì làm sao chúng ta không thể sai lầm vè những vật đang hiện hữu, khi chúng ta có vô số nguyên nhân để lầm lạc – nghiệp và những vọng tưởng vô minh.
Tôn ảnh: Đức Varja Yogini
Tôi biết có một lạt ma tái sinh bị bênh mật trong khi di hành hương. Ông trông thấy ba hộp bạc đựng xá lợi trong nhà ông trọ thành ra vàng, nhưng về sau, khi hết bệnh, những hộp ấy lại thành màu bạc trở lại.
Khi Gyaelwa Ensapa viếng thăm tượng Di Lặc ở Rong, ông tranh luận với một vài học giả Sakya ở đấy, nhưng họ không hiểu một điểm khó liên hệ đến thuật ngữ Phật giáo. Ensapa trích từ Bát Nhã Bát Thiên Tụng bằng Phạn ngữ để làm sáng tỏ ý nghĩa những từ ngữ ấy, nhưng những người phái Sakya không tin ông. Họ nói ông là một ác ma, không phải là người của tông phái Gelug. Vậy, bạn không nên nhìn bề ngoài, mà hãy tìm những đức tính của người, những thực chứng và sự từ bỏ của họ.
Chỉ như Phật mới thấy được pháp thân, thân của chân lý. Chư Bồ tát cũng còn không thấy được pháp thân, tuy nhiên có thể thấy được báo thân. Và ngay cả muốn thấy được ứng thân, thì bạn phải là người phàm có nghiệp thanh tịnh. Lam-rim Tinh Túy của Cam Lồ nói:
“Bao lâu bạn chưa thoát khỏi
Tấm màn che của nghiệp và chướng ngại do nghiệp
Thì dù cho tất cả chư Phật hiện ra thực sự trước bạn
Bạn cũng không đủ phước đức để trông thấy
Thân tướng tối thượng của các ngài
Trang hoàng với các tướng hảo và tướng phụ
Bạn chỉ có đủ phước đức để thấy
Cái gì hiện ra trước bạn ngay bây giờ”.
Ngay cả trong thời Phật tại thế, có một kẻ ngoại đạo không thể thấy được các tướng hảo và vẻ đẹp của Phật, mà chỉ có thể thấy một khối lỗi lầm nơi ngài. Devadatta xem những việc Phật làm chỉ là lừa bịp.
Cách nhìn đúng là thấy bậc thầy là thước đo giá trị của một tướng cướp từ miền thượng Golog Arig du hành đến Lhasa để xem pho tượng đức Thích Ca giống ngôi chùa chính, nhưng cả đến những ngọn đèn thắp bằng bơ y cũng không thể trông thấy, nói gì đến pho tượng. Tiền thân của Oen Gyarlsae Rinpoche bảo y thanh lọc nghiệp chướng; tên cướp bèn làm một lễ dâng cúng ngàn lần và đi nhiễu quanh chùa, nhưng vẫn không trông thấy tượng. Nhưng bấy giờ y có thể trông thấy những ngọn đèn bơ.
Khi Lozang Droendaen Rinpoche ở đại học Gomang (một chi nhánh của tu viện Drepung) đang giảng thời pháp truyền khẩu về Kinh Pháp Cú, có một tỳ kheo trong thính chúng không thể nghe lời giảng cũng không trông thấy quyển sách; ngược lại ông thấy thịt phay đặt trước mặt giảng sư. Khi giảng sư đang thuyết pháp, vị tỳ kheo ấy tưởng tượng ra ngài đang ăn thịt, và cuối ngày ấy, ông tưởng tượng mình trông thấy mọi người gom thịt lại.
Bất cứ gì cũng có thể xảy đến, khi nhãn quan ta chỉ là hiện tướng của nghiệp lực. Tầng mức của hiện tướng hiện ra cho bạn là tùy thuộc vào mức độ thanh lọc nghiệp chướng của bạn.
Cái thấy của bạn không đáng tin cậy; bởi thế, không những bạn tuyệt đối không thể lượng giá bậc thầy, mà bạn còn không thể lượng giá bất cứ ai – người cọng sự, bạn bè, chó giữ nhà, chư thiên, quỷ thần vân vân. Bạn chỉ có thể lượng giá chính mình. Vượt khỏi giới hạn ấy một bước là bạn rơi vào ngay vào hoài nghi.
Khi Gyaelwa Ensa sắp đạt đến sự hợp nhất (giữa đại lạc và Tánh không), có những người gọi ông là Ensa khùng. Ông vua Pháp Karmayama giả trang làm một đệ tử của Tsongkapa. Một lần Tsongkapa sắp tiết lộ một vài điều sâu xa khó hiểu liên hệ đế mật điển. Karmayama đã ngăn ngài lại. Điều ấy làm cho Gyaeltsaen Zangpo nổi tức, khiến Kaedrub Rinpoche phải bảo ông ta đừng có làm ồn náo lên.
Đức Phật Thế Tôn dạy, “Chỉ có Như Lai mới có thể lượng giá một con người.”
Ở Ấn, có một tu sĩ tập sự đi đến đảo Vachigira để xác minh lời đồn đãi rằng tất cả đàn ông ở đấy đều là nam thần Dakas và tất cả phụ nữ ở đấy là nữ thần Dakinis. Nhưng khi đi đấy, ông không thể thấy được đức tính nơi người nào cả, mà lại phát sinh lòng tin đối với một kẻ lừa bịp.
Nàvo Boenchung nói như sau về Milarepa:
Những người chưa trông thấy Milarepa nổi tiếng
Nói những điều lớn lối về ông ta:
“Ông ấy như những hành giả Ấn vĩ đại!”
Thì chỉ thấy một ông già lõa thể đang ngủ…
Những câu chuyện như thế nhạo báng tất cả những gì ta đang thấy. Bởi thế chúng ta không biết gì ngay cả về những người bạn thân nhất của mình. Vậy, để chắc ăn, ta hãy tập luyện để nhìn thấy mọi sự vật là trong sạch. Nhiều học giả cứ tưởng rằng Shàntideva vĩ đại, một vị chân Pháp vương tử, chỉ sống vì ba chuyện: ăn, ngủ và thư dãn. Họ không thể thấy những thiện đức nơi ngài. Nhãn quan của chúng ta cũng không đáng tin cậy tương tự như thế.
Bạn không thể chắc rằng điều gì mình là lỗi lầm thì thực sự lỗi lầm. Bạn thấy sự vật cách nào thì bạn nhận thức sự vật cách ấy. Upadhàna, một vị sư thông ba tạng vẫn giữ ý tưởng và quan niệm sai lầm (tà kiến), vì ông nghĩ, “Tôi thấy Phật đúng như thật: những lời dạy của ngài và những nguyên nhân của nghiệp đều là những trò bịp để tư phụng bản ngã. Nói rằng ngài không còn lậu hoặc là không đúng.” Upadhàna mà còn có thể sai lầm, huống gì chúng ta!
Khi một vị thầy không ngủ mà tụng đọc suốt đêm ngày, thì những học trò rất ưa ngủ sẽ thấy tự thâm tâm họ rằng đấy là một lỗi lầm. Nếu học trò uống rượu, họ sẽ tự cho mình may mắn nếu gặp ông thầy uống rượu; họ sẽ xem uống rượu là một đức tính. Vậy thì, không những điều bạn cho là lỗi có thể là không lỗi, mà bạn còn không chắn điều gì là đức hạnh nữa. Họ không thể biết bậc thầy lỗi lầm để giáo hóa bạn hay không. Kinh Cha Con Gặp Gỡ và kinh Đại Bát Niết Bàn nói nhiều về chuyện những đức Như Lai thị hiện làm những người thù địch, hà tiện, què quặt, điên cuồng, vô luân, vân vân, khi nào thấy cần thiết làm như vậy.
Nói chung kinh điển và mật điển có thể có tính cách quyết định hoặc cần giải thích; có nhiều cách giải thích khác nhau về sự việc một quyển kinh nào đó có nêu được hiểu theo nghĩa đen hay không. Nhưng khi đấng Chiến thắng Kim Cương Trì nói rằng trong tương lai ngài sẽ xuất hiện dưới hình thức những bậc thầy, thì đấy là một lời nói có tính quyết định, theo nghĩa đen, một lời nói mà chúng ta cũng có thể xác nhận. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng ngoài bậc thầy, không ai dạy cho ta đạo lộ đưa đến giải thoát và toàn trí. Vậy thì thật phi lý, mâu thuẫn, nếu ta có ý nghĩ: “Thầy tôi, mà theo đức Kim Cương Trì nói là một vị Phật, thật sự không phải là Phật vì ông có những lỗi lầm này nọ.”
Trên đây là bằng chứng quyết định; bạn có thể hiểu rằng vị thầy là một vị Phật ngay từ đầu. Khi bạn tin chắc rằng lý luận và tham chiếu kinh điển trên đây đã chứng minh thầy là một vị Phật, là bạn đã khai triển một nhận thức để đi sâu vào vấn đề làm thế nào để tận tụy với bậc thầy, làm thế nào để có được kinh nghiệm hợp nhất bậc thầy với tất cả chư Phật.
Về sự hòa lẫn tâm bạn với tâm bậc thầy: khi bạn đạt toàn giác, tâm bạn và tâm thầy vốn dĩ vừa là đại lạc vừa là Pháp thân – hòa lẫn và trở thành một vị duy nhất. Ở điểm này bạn đạt giác ngộ, tự bản chất bạn trở thành một bậc thầy: bạn thành tựu y cách bậc thầy. Thân lời ý của bạn hòa lẫn một cách chặt chẽ với thân lời ý của thầy. Đây là lý do bạn phải có liên lạc chặt chẽ với thầy: tâm bạn phải luôn luôn tiến gần hơn đến sự phù hợp với tâm thầy.
~Trích “Giải Thoát Trong Lòng Tay” – Pabongka Rinpoche~
lượt xem 237