
Tôn ảnh: Đức Quan Âm Tứ Thủ (Chenrezig)
1./HỎI: Bạch Đạo sư, có người nói từ thời Đức Phật làm gì có chuyện giảng dạy thần chú hay thần thông nên làm gì có Mật tông, con nghe như vậy thì rất bức xúc mà không biết trả lời họ như thế nào, xin Đạo sư khai thị cho con?
ĐÁP: Hãy hỏi ngược lại người khẳng định thông tin trên rằng vị đó có từng sống từ thời Đức Phật tại thế không để nói ra điều đó, có bản kinh nào không giảng dạy thần thông hay thần chú? Đức Phật có dạy bài Kinh Khổng Tước, Kinh Tam Từ, hoặc niệm 10 Phương Chư Phật …. Niệm một thời gian thì thành thần chú, đây là những điều bí mật mà tự thân phải làm rõ và kiểm nghiệm. Ví dụ: Om (pháp giới) MaNi (ngọc như ý) PadMe (thành tựu) Hum (đại lực) là câu thần chú nhấn mạnh sự thành tựu như sở ý bằng đại lực, thần chú này được Đức Quan Thế Âm (Chánh Pháp Minh Như Lai) ban ra, đó cũng chính là nguyện lực mà ngài muốn giúp cho chúng sinh. Khi khẳng định điều này, vui lòng xem lại Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Trường Bộ, Kinh Quán Niệm hơi thở, Đức Phật có giảng về phương pháp đạt thần thông.
Trong 4 đề mục Từ, Bi, Hỷ, Xả còn có 1 đề mục để đạt thần thông, ví dụ: muốn đi trên nước như đi trên đất thì xem lại đề mục Kasina (Kasiṇāyatana) về đất, trong đó người tu quán tưởng về đất phát triển thành ánh sáng (thoại tướng thành quan tướng) đạt được quan tướng của Kasina đất, thành tựu trong thiền quán Kasina đất, thành tựu việc quán tưởng nước là đất, nương vào cái thấy và biết chắc rằng đây là đất thì vị này phát triển được thần thông đi được trên nước. Đây mới chỉ là giới thiệu sơ lược vì muốn thấy biết rõ ràng phải đi qua thực hành, người tu bắt buộc phải đạt được thiền định thì mới đạt được thần thông.
Linh tại ngã, bất linh tại ngã, không phải vì người khác nói mà tin hay không tin. Rất nhiều người nhận được sự gia trì từ Quan Âm nên không thể khẳng định là không có. Hãy cẩn trọng khi giao tiếp với những người như vậy vì rất dễ bị đồng hóa bởi suy nghĩ của họ.
2./HỎI: Bạch Đạo Sư xin Ngài hãy khai thị cho chúng con về việc hành Bồ Tát Đạo trong đời sống ạ?
ĐÁP: Những gì Đạo sư truyền dạy cho hành giả chính là cách đi vào con đường thực hành Bồ Tát Đạo. Hành giả thực hành con đường này sẽ tránh xa những điều xấu ác, làm ảnh hưởng tới người khác. Con hãy kiểm thúc tâm mình trước, tránh làm những việc sai trái, tập buông xả, phát triển tâm bi mẫn tới chúng sinh. Ví dụ như người đặt câu hỏi ở trên, khi nói về việc Đức Phật không dạy thần thông, hãy khởi tâm thương xót cho sự vô minh của họ bởi vì người này sẽ bị đọa lạc trong tam đồ khổ. Khi tâm con chưa vững thì nên tránh tiếp xúc với những luồng thông tin dễ gây xao động.
Bồ tát được chia làm ba cấp: bậc thượng, bậng trung và bậc hạ. Bồ tát bậc thượng thuộc chánh đẳng giác, các vị đã chứng đắc thành Phật như Yamataka, Đức Quan Âm, Đức Tara v.v….. Bồ tát bậc trung thuộc thập địa như Đức Địa Tạng, Đức Mục Kiền Kiên, Thích Quảng Đức v.v…. Bồ tát bậc hạ là những chúng sinh mới phát khởi tâm trở thành Bồ tát nhưng chưa đạt giác ngộ, cần thực hành tâm nhiều hơn trong đời sống: chánh kiến, chánh tư duy, buông xả.
3./ HỎI: Bạch Đạo Sư! Con xin phép được hỏi là trong khi con tu (tu nghi quỹ, tu hộ pháp, trì chú) sẽ có 1 khoảng thời gian trong lúc tu đó con sẽ bị vọng tưởng như kiểu suy nghĩ miên man về 1 vấn đề nào đó của bản thân hoặc của người khác về các vấn đề của cuộc sống hàng ngày như tình yêu, gia đình, công việc, sự nghiệp, yêu ghét, hôm nay ăn gì chẳng hạn….; thêm cả việc lúc trì mà có điện thoại thì vẫn nghe gọi và sử dụng thêm như lướt web v.v… Vậy thì việc vọng tưởng hay việc sử dụng điện thoại đó có bị ảnh hưởng tới thành tựu của việc tu tập không ạ? Có bị mất linh không ạ?
ĐÁP: Câu trả lời là có, khi hành giả đang trì chú tức là đang phát “tín hiệu” mà những hoạt động thế tục bị cắt đứt quãng thì năng lượng đo bị ngắt kết nối với vị bổn tôn ta đang thực hành, giống như điện thoại cần có sóng, ngắt kết nối tức là mất sóng, trì chú cũng như vậy. Như vậy các Bổn tôn cũng khó lòng gia trì cho chúng ta, tốt nhất khi hành trì nghi quỹ và trì chú hãy thực hành xong một pháp tu.
Những vọng tưởng gặp phải thì là chuyện bình thường của người tu tập nó xuất hiện bất cứ lúc nào không nhất thiết là chỉ trong lúc tu. Việc bị vọng tưởng lúc đang tu cũng chưa khẳng định là mất linh nhưng công đức trì chú bị cắt ngang, sẽ như bị niêm phong lại. Chúng ta chưa chánh niệm nên trong đôi phút xao nhãng bị vọng tưởng thì chánh niệm lại để biết là minh đang tu. Trì chú là cách phát triển định lực của bản thân mỗi người tu hành, linh hay không ở tâm của mỗi người, nhưng đang thực hành nghi quỹ mà nghe điện thoại, nói chuyện hoặc làm các việc khác thì thành tựu không đến, định lực chưa thể phát triển rõ ràng, hãy tập trung vì đây là yêu cầu tối thiểu của người hành giả.
~H.H 17th Kadam Dongchen Rinpoche~
Trích bài giảng ngày 04.08.2024