
1./Hỏi: Bạch Đạo Sư con thấy ở Việt Nam và các nước hầu hết tu sĩ đều cạo đầu nhưng con thấy ở Tây Tạng có các vị không cạo đầu hoặc để dài, đó là như thế nào xin Đạo Sư giải thích cho chúng con?
Đáp: Trong Phật giáo, Pabbajja tức là xuất gia, nói đúng hơn đó là cắt bỏ tình thân quyến thuộc thế tục và rũ bỏ cuộc sống thế tục (Ly thế tục gia).
Đó là trong các truyền thống Nam Truyền và Bắc Truyền kể cả Kim Cương Thừa cũng như vậy, riêng những vị để tóc đeo bông tai có thể nói đó là tăng đoàn đặc biệt của Phật giáo Kim Cương Thừa, các vị này gọi là Yogi (Du Già Sư) mà chúng ta thường hay gọi là Ngakpa- Ngakmo.
Tăng đoàn này không phải chỉ sau này mới có mà đã có trước thời Phật Thích Ca, các vị này ở sâu trong núi rừng gìn giữ Giáo Lý Mật Thừa qua các đời Phật không dứt đây là gọi là Mạng Mạch Truyền Thừa, đến khi một vị Phật ra đời thì như vậy trao lại cho vị Phật đó.
Như các con thường nhìn thấy hình ảnh của Tổ Dromtonpa, ngài có tóc mặc áo choàng như một du sĩ, hoặc gần gũi hơn thì các con có thể thấy Đức Liên Hoa Sinh hoặc Đạo Sư Marpa , Đạo Sư Milarepa….. Rất nhiều các Đạo Sư nổi danh như Tilopa hay Naropa….. các bậc chân sư Ấn Độ cũng hiện tướng của một Yogi.
2./Hỏi: Bạch Đạo Sư tại sao Tăng Đoàn Ngakpa lại để tóc vậy ạ?
Đáp: Khi Đức Liên Hoa Sinh (Guru Rinpoche) truyền pháp đến Tây Tạng ngài đã thành lập 2 tăng đoàn song song đó là tăng đoàn Tỳ Kheo và tăng đoàn Ngakpa.
Hai tăng đoàn này nương vào nhau để duy trì mạng mạch Giáo Pháp, việc này thật ra cũng không có gì lạ bởi vì chính Guru Rinpoche là Bậc Mật Sư Du Già vĩ đại, cho nên những người y theo giáo lý Kim Cương Thừa chuyên tu Du Già (Yoga) thọ nhận và gìn giữ Giáo Lý Mật Thừa đa phần đều do Chư Đạo Sư Ngakpa gìn giữ.
Trong truyền thống nhập thất hầu hết sau 3 năm 3 tháng 3 ngày nhập thất thì chư Lama thường búi tóc thành cuộn trên đầu, còn trong truyền thống Dudjom Tersar thọ nhận một Quán Đảnh được gọi là Quán Đảnh Tóc , trong Quán Đảnh này hành giả biến tóc của mình thành nơi ở của các Dakini, cho nên thọ nhận Quán Đảnh này hành giả không cạo đầu mà cuốn lên theo cuộn trên đầu.
Trong truyền thống Dzogchen hầu hết các Đạo Sư là Ngakpa đều búi tóc cao và cột một bản kinh hay một ống kinh văn hoặc xá lợi trên đầu, biểu thị cho việc gìn giữ Kho Tàng Trí Tuệ, nói cách khác Ngakpa là một phương tiện thiện xảo cho việc gìn giữ các thệ nguyện Mật Thừa và các Pháp Tu Bí Mật như pháp tu Hợp Nhất ( Yabyum) mà các vị Tỳ Kheo không thể thực hành để giữ gìn…
3./Hỏi: Bạch Đạo Sư con thấy một số Pháp Vương , Rinpoche và Lama có vợ, việc này như thế nào vậy?
Đáp: Trong Kim Cương Thừa gọi đó là phối ngẫu, khác với các hôn phối thông thường như vợ chồng, các vị Phối Ngẫu giúp chư Đạo Sư thực hành pháp như một phương tiện thiện xảo, hỗ trợ trong thực hành cũng như làm lợi ích chúng sanh. Đây là phương tiện thiện xảo của Kim Cương Thừa.
Hầu hết vợ chồng lấy nhau chỉ để sinh con hay yêu đương, riêng phối ngẫu thì không chỉ như vậy mà còn rộng lớn hơn đó là phương tiện cho việc phục vụ Giáo Pháp. Đó là phương diện bên ngoài, còn nói về bên trong thì các vị phối ngẫu này không như chúng ta, các ngài đều đã thọ nhận và tu tập miên mật để đủ khả năng làm lợi ích chúng sanh.
Đừng hiểu nhầm là Kim Cương Thừa cho phép các tu sĩ có vợ, các tu sĩ là Tỳ Kheo trọn đời phải sống độc thân, còn các Ngakpa hầu như không giữ nguyện độc thân về giới căn bản thì ít hơn Tỳ Kheo nhưng về các Giới Nguyện Mật Thừa thì rất nhiều cho nên việc các ngài chọn phối ngẫu không đơn giản yêu là cưới hay thương là lấy, nó liên quan đến đến rất nhiều thứ nhưng chủ yếu là phải làm lợi lạc cho chúng sanh. Bởi vì hầu hết những việc tu viện hay đối duyên xúc cảnh các ngài đều chu toàn, vậy Đạo Sư mới có thể yên tâm tu hành Giác Ngộ, cho nên trong Mật Thừa gọi là Khandro (Cứu Độ Thánh Mẫu). Việc này không phải ai cũng làm được nếu như không có lòng từ bi rộng lớn hay Bồ Đề Tâm sâu rộng thì không thể làm được, cho nên có Rinpoche có phối ngẫu nhưng không phải vị nào cũng có.
Trong Mật Thừa, chư vị Đạo Sư Rinpoche hầu hết đã chứng ngộ phi thường, mỗi một hành động hay việc làm đều vì lợi lạc chúng sanh mà thực hiện, các ngài không lo ngại hay suy nghĩ về những thứ như gia đình, con cái tiền bạc, bởi tâm các ngài đã siêu việt khỏi những thế tục đó nên mới gọi là Mantrika hay Trì Minh Vương.
Bản thân chúng ta tự nhận vô minh nhưng chúng ta lại muốn những Bậc Trí Tuệ là các Bậc Đạo Sư phải nghe theo chúng ta. Thay vì phải làm hài lòng chư Đạo Sư chúng ta lại muốn chư Đạo Sư làm chúng ta hài lòng, việc này giống như đứa bé 5 tuổi đi dạy một ông lão 80 tuổi cách để trưởng thành, thật buồn cười khi chúng ta muốn đạt Trí Tuệ nhưng lại nuôi dưỡng sự vô minh bằng tâm ngã mạn, cho nên thấy chỉ cần biết thấy chứ đừng nên dính mắc cái thấy bởi vì cái chúng ta thấy chưa chắc đúng, cái chúng ta nghe chưa hẳn đúng, việc này xưa nay đều rất đúng nên xưa tiền đức dạy rằng “BỆNH TỪ MIỆNG MÀ VÀO, HOẠ TỪ MIỆNG MÀ RA”.
~H.H 17th Kadham Dongchen Rinpoche~
Tôn ảnh: Lama Guru Jetsun Rinpoche và các bổn tôn