
Tôn ảnh: Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara
Đôi khi ta luôn kì vọng vào ai đó, kì vọng họ hải trở thành một vĩ nhân nhưng nếu không biết rằng chỉ cần họ trở thành một người có ích cho xã hội đã là một việc rất đáng quý rồi. Khi ta nhìn một người như kẻ tù tội, xa lánh họ nhưng hãy nhìn xem trước khi thành kẻ phạm tội, họ cũng là một người có lương tri. Đôi khi vì vòng xoáy của nghiệp quả khiến ta quên mất rằng ta cần có lòng từ bi, mà lên án, xa rời Bồ đề tâm của chính mình.
Người giàu không có nghĩa là người sung sướng, nhưng người nghèo có những nỗi niềm riêng. Dù giàu hay nghèo cũng không thể phân biệt được. Dù con trai hay con gái thì giới tính nào cũng tốt cả, miễn rằng chúng sinh đó có ích cho xã hội. Vì thế đừng nhìn những chúng sinh hay sự việc bằng con mắt phàm tục vì ta cũng không thể phân biệt được thực sự bản chất bên trong của những người, những việc đó. Đừng đánh giá người khác trong sự vô minh vì như vậy ta tự đánh mất đi lương tri và bản tính tốt đẹp vốn có trong mình. Mỗi chúng sinh đừng giữ tâm phân biệt dù với người nào, giới tính nào, khuyết điểm của họ như thế nào bởi khi đó ta đánh mất sự từ bi, hãy mang sự an vui, lòng bác ái tới với tất cả chúng sinh chứ đừng xua đuổi, xa lánh họ chỉ bởi ta tự cho rằng họ mang khiếm khuyết là một tội lỗi.
Mỗi người ta gặp đều là một nhân duyên hoặc nghiệp duyên, hãy biết ơn những người mang đến cho ta sự hạnh phúc hay đau khổ vì chỉ có ân nghĩa mới xóa bỏ thù hận. Ta biết ơn Tổ quốc, biết ơn ông bà vì sự hy sinh trong quá khứ để có được hòa bình trong hiện tại. Cuộc đời không ai tốt đẹp hơn ai, mỗi người đều có điểm mạnh và yếu khác nhau. Những người có thiên hướng tích cực sẽ tự tìm cho mình con đường đi tốt hơn, nhưng những người tiêu cực là từ nghiệp thức của chính họ nhưng cũng vì những gì mà những người xung quanh góp vào cho bản thân họ.
Sự tích cực trong tư duy giúp ta thấu hiểu và chấp nhận hơn với những người có hoàn cảnh khó khăn. Không ai trên thế gian có quyền buộc ta phải sống thế nào, phải sống ra sao nhưng ta có thể chọn cho mình cách sống thế nào, cách sống ra sao. Đừng bỏ lỡ cơ hội khi ta còn đang sống, dù giới tính nào cũng đều có thể trở thành Phật. Khi mỗi chúng sinh có lòng từ bi, sự tha thứ, chấp nhận nhân quả xảy ra với bản thân thì ngay thời điểm ấy mỗi chúng sinh đã xứng đáng trở thành một vị Phật rồi.
Phật cũng có thân người như chúng sinh, khác là ở chỗ ngài đã nhận thức được chân lý giải thoát. Ai trong chúng ta cũng khao khát an vui và hạnh phúc và cuộc đời dạy ta biết rằng mỗi phút giây này ta cần giữ lòng biết ơn tới tất cả những ai đã đem lại cho ta sự hòa bình, tự do và hạnh phúc. Cái ác không thể so sánh trên cái nhìn cá nhân, không phải khi ta không vừa ý một ai đó thì tất cả những gì họ làm đều bị quy kết là họ xấu, họ ác, là thế này hay thế kia, rồi ta khởi tâm phân biệt và so sánh. Là người con Phật, mỗi con người bên trong sâu thẳm của họ đều có nhân tính, nó chỉ ngủ quên vì mọi thứ bộn bề của cuộc sống đè nặng.
Có khi sai lầm chỉ vì một lần ta lỡ để ngũ ấm ma dẫn dắt mà không biết. Ma tâm thường xuất hiện khi lòng bi mẫn biến mất, khi sự thờ ơ của ta với những đau khổ của chúng sinh đang khổ nạn. Hãy một lần nghĩ đến sự đau khổ của các chúng sinh khác là ta tự khởi lên lòng bi mẫn trong bản thân chúng ta. Ta hãy đặt câu hỏi nếu ta cứ tranh giành, gây oán hận thì đau khổ khi nào mới chấm dứt. Hãy dùng lòng bi mẫn để xoa dịu và gỡ bỏ mọi nghiệp lực đang xảy ra. Hãy cầu nguyện cho sự hòa bình luôn hiện hữu, đẩy lùi chiến tranh. Hãy để thiện lương đem tới sự thịnh vượng, an vui cho tất cả mọi nơi, đó là cách để khởi dậy lòng từ bi. Ác hay thiện ở ngay tâm mình, mình tự chọn cho mình việc làm ác hay hành thiện.
Sự tha thứ, yêu thương và đồng cảm chia sẻ cho các chúng hữu tình, thì chính như vậy là đang duy trì Phật tính. Ta thấy rõ sự bình đẳng trong mỗi chúng sinh, họ đều xứng đáng được sống trong tình yêu thương. Vì vậy hãy hồi hướng và chia sẻ công đức cho tất cả các chúng sinh khác.
His Holiness 17th Kadam Dongchen Chotrul Rinpoche~
(Trích bài giảng ngày 27.04.2025)