
Tôn ảnh: Đức Phật Di Đà (Amitabha)
Hỏi: Bạch Rinpoche, con có nghe một vị pháp sư Tịnh Độ Tông nói rằng, việc vẩy nước lên đầu khi quán đảnh không thể tịnh trừ nghiệp chướng, xin Rinpoche hoan hỷ giải thích cho con rõ?
Đạo sư H.H 17th Kadham Dongchen Rinpoche:
– Quán đảnh từ cách thức đến phương pháp đều y cứ trên mật điển, mật điển được truyền thừa từ chư Phật, thời kỳ Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta hữu duyên được Đức Phật từ bi thuyết giảng Mật Thừa là đường tắt trong tu hành.
Pháp quán đảnh là một hình thức, hay nói đúng hơn trong nó là cả một chân lý, bởi vì hình thức này phù hợp thế tục làm an tâm chúng sanh. Bởi mắt chúng ta không thể nhìn thấy cõi vô hình, cho nên nếu như ngồi im nhắm mắt niệm niệm xong rồi bảo là tịnh trừ nghiệp chướng, liệu quý vị có tin là thật không? Chúng ta không vội đem kinh điển ra truy xét đúng sai, ở đây chúng ta không nói vị pháp sư kia là sai mà chúng ta chỉ nói rõ hơn về nước quán đảnh.
Trước khi ban một lễ quán đảnh, vị Rinpoche trao truyền quán đảnh phải là một bậc thầy uyên thâm, nói về sự tu hành tâm ngài phải có Bồ Đề Tâm rộng lớn. Trong Kim Cương Thừa, thường dùng ẩn dụ để giải thích thông qua nhiều phương diện, đôi khi là một hình ảnh hay là một câu kệ…. Việc dùng bình quán đảnh rưới nước ý nghĩa cũng ẩn dụ như vậy. Trước kho nước được ban, vị thầy sẽ quán tưởng chư Phật Bồ Tát, Đạo Sư , Bổn Tôn, Hộ Pháp… đang hiện diện nơi đàn tràng, tiếp theo vị thầy sử dụng chân ngôn để tịnh hóa những ô nhiễm, vị thầy lại tiếp tục quán tưởng trong bình là tịnh thổ của vị bổn tôn cần quán đảnh, ở đây thầy ví dụ như khi quán đảnh Quan Âm Tứ Thủ, vị bổn tôn được quán tưởng bên trong chiếc bình chính là một tịnh thổ Potala (Phổ Đà).
Tất nhiên, việc quán tưởng theo trình tự như thế nào và ra sao thì trong mật điển có diễn giải rất rõ, cho nên trước khi ban quán đảnh, vị thầy phải thật sự siêu việt trong thiền định. Bởi vì, không phải chỉ quán tưởng mờ ảo sơ lược như chúng ta nghĩ, sự quán tưởng đôi lúc đơn giản nhưng đôi lúc cũng rất khó khăn vì không vị thầy nào trong những dòng truyền thanh tịnh trong Kim Cương Thừa dám tự truyền quán đảnh khi chưa thành tựu hay chí ít thực hành pháp đó nhiều lần.
Đó là hình thức quán tưởng bên trong chiếc bình, vị thầy tiếp tục phải quán tưởng tất cả nước trở thành cam lồ thanh tịnh, cam lồ này có thể tịnh hoá những ô nhiễm của chúng sanh cho nên đó gọi là phương tiện, tuy nhiên phương tiện phải được các bậc thầy siêu việt sử dụng mới thật sự tốt, cho nên trước khi rảy nước cho quý vị thì vị thầy đã phải thực hiện nhiều phương tiện. Tuy vậy, lúc này chiếc bình vẫn chưa thực sự hữu dụng, vị thầy lại phải tiếp tục quán đảnh bổn tôn tiến nhập vào thân và biến thành bổn tôn đó, rồi trong lúc trao quán đảnh vị thầy và tâm bổn tôn hoà nhập, lúc này tâm ngài hoàn toàn biến thành tâm của bổn tôn, rồi khi đặt chiếc bình lên đỉnh đầu quý vị ngài phải niệm rất nhiều các chân ngôn ngắn và dài, trong khi quán đảnh lại càng phải quán tưởng liên tục, như vậy mới thực sự là gia trì tha lực truyền thừa. Nếu thầy nói rằng quý vị chỉ cần nhắm mắt niệm chú bổn tôn tự đến quán đảnh quý vị có tin không? Thầy thì sẽ không tin! Bởi vì sao? Bởi vì ngoại trừ những bậc long trượng Phật Pháp như các vị Khai Mật Tạng (Terton) thì chúng ta không thể làm được. Chính vì vậy chúng ta mới cần một vị thầy!
Sự vẩy nước quán đảnh không phải là hết nghiệp chướng, mà vẩy nước này do tâm vị thầy và bổn tôn thể nhập vào, lúc này nước sẽ trở nên linh thánh do sự quán tưởng và tụng niệm chân ngôn. Nếu như chúng ta thực hành pháp thì nghiệp chướng tự tiêu tan, bởi vì sự gia trì của bậc thầy đến chúng ta, nó ví như nước nuôi sống cây, nước này là cam lồ để giúp chúng ta tịnh hoá những ô nhiễm và thông qua thực hành thì chúng ta mới tịnh trừ nghiệp chướng được.
~H.H 17th Kadham Dongchen Rinpoche~