
Tôn ảnh: Đức Quan Âm Tứ Thủ (Chenrezig)
Phật Đà Sakya Muni Gotama khi còn ở Địa Vị Bồ Tát ngài có tên là Sumedha. Bồ Tát Sumedha đã trải qua 4 a tăng kỳ 100.000 đại kiếp thực hành Parami (Ba La Mật) để chứng ngộ quả vị Phật Toàn Giác, các Parami (Ba La Mật ) mà Bồ Tát Sumedha thực hành đó là:
– 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ (pāramī).
10 parami đến bờ bên kia
– 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung (upapāramī).
10 parami đến bờ bên kia
– 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng (paramatthapāramī).
10 parami bờ cao thượng
Các Parami tuần tự được bổ túc là:
1- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật (dānapāramī).
2- Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật (sīlapāramī).
3- Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật (nekkhamma-pāramī).
4- Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật (paññāpāramī).
5- Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật (vīriyapāramī).
6- Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật (khanti-pāramī).
7- Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật (sacca-pāramī).
8- Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật (adhiṭ-ṭhānapāramī)
9- Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật (mettāpāramī).
10- Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật (upekkhā-pāramī).
Đức Bồ Tát Sumedha đã thực hành viên mãn Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật (dānapāramī), cho nên trong tất cả kiếp sống Bồ Tát dù sinh trong cõi giới súc sinh hay loài người cũng đều trở nên cao thượng, sự phi thường của bố thí không thể nào có thể nói hết được.
Kinh Bố Thí Itivutaka 3, 98 có dạy rằng:
“Bố thí là thù thắng, cao nhất,
Là sự phân phát,
Thế Tôn khen,
Ruộng phước tốt nhất với lòng tin,
Người trí biết, ai (mà) chẳng cúng dường
Ai nói và nghe cả hai điều
Với lòng tin trong đạo Thiện Thệ
Và tinh tấn trong đạo Thiện Thệ
Ðược thanh tịnh – mục đích cao nhất”.
Kinh Phân Biệt Bố Thí có dạy về 14 loại công đức của Pháp Hành Bố Thí:
Này A-Nan, nói đến công đức về bố thí thì đại khái có mười bốn thứ:
1- Bố thí cho người bệnh.
2- Bố thí cho người phá giới.
3- Bố thí cho người giữ giới.
4- Bố thí cúng dường cho người xa lìa ô nhiễm.
5- Bố thí cúng dường bậc Tu-Đà-Hoàn-hướng.
6- Bố thí cúng dường bậc Tu-Đà-Hoàn-quả.
7- Bố thí cúng dường bậc Tư-Đà-Hàm-hướng.
8- Bố thí cúng dường bậc Tư-Đà-Hàm-quả.
9- Bố thí cúng dường bậc A-Na-Hàm-hướng.
10- Bố thí cúng dường bậc A-Na-Hàm-quả.
11- Bố thí cúng dường bậc A-La-Hán-hướng.
12- Bố thí cúng dường bậc A-La-Hán-quả.
13- Bố thí cúng dường các bậc Duyên-Giác.
14- Bố thí cúng dường các đức Như-Lai Ứng-Cúng Chánh-Đẳng Chánh-Giác.
KINH PHẬT NÓI VỀ PHÁP BỐ THÍ có dạy về công đức lợi lạc của Pháp hành bố thí:
- Dùng lòng tin sâu nặng để bố thí, người này sẽ xa lìa sự đố kị và được mọi người tôn kính.
- Bố thí đúng lúc, thì ba nghiệp được thanh tịnh, bốn mùa an ổn.
- Thường bố thí, thì thân tâm thoải mái vui vẻ, không tán loạn.
- Tự tay mình bố thí, thì ngón tay thon nhỏ và dài, thân tướng đoan nghiêm xinh đẹp.
- Bố thí cho người khác, thì được người khác đại xả thí.
- Đúng giáo pháp mà bố thí, tâm xa lìa chấp tướng, thì được phúc vô vi.
- Bố thí sắc vi diệu, thì màu của thân trang nghiêm, mọi người ưa thích.
- Bố thí hương thượng diệu, thì thường được mùi thơm chiên-đàn và mọi người cúng dường.
- Bố thí vị thượng diệu, thì được vị ngon tuyệt diệu trong các vị ngon, thân thể khỏe mạnh.
- Đúng như pháp mà tôn trọng bố thí, thì được an ổn vui vẻ, mọi người thích nhìn.
- Dùng tâm rộng lớn mà bố thí, thì được phúc nhiều vô lượng.
- Bố thí thức ăn ngon, thì không bị mất mùa, kho lẫm tràn đầy.
- Bố thí nước sữa, thì đến nơi đâu cũng không bị đói khát.
- Bố thí y phục, thì được y phục tốt đẹp trang nghiêm thân.
- Bố thí chỗ ở, thì được ruộng vườn, nhà cửa rộng lớn, lầu gác nguy nga.
- Bố thí ngọa cụ, thì được sinh vào dòng tộc giàu sang, các đồ dùng sáng sạch.
- Bố thí voi, ngựa, xe cộ thì được bốn thần túc, diệu dụng không chướng ngại.
- Bố thí thuốc men thì thân tâm luôn an ổn vui vẻ, không bị bệnh tật.
- Bố thí kinh pháp thì được các món thần thông như Túc mệnh…
- Bố thí hoa quả thì được hoa bảy giác chi.
- Bố thí tràng hoa thì xa lìa các phiền não tham, sân và si.
- Bố thí hương thơm thì xa lìa phiền não cấu uế.
- Bố thí lọng che thì được tự tại đối với các pháp.
- Bố thí chuông linh thì được giọng nói hay.
- Bố thí âm nhạc thì Phạm âm tuyệt diệu.
- Bố thí đèn thì được thiên nhãn thanh tịnh.
- Bố thí tơ lụa thì được đắp y giải thoát.
- Lấy nước thơm rưới tháp miếu thờ Như Lai.
- Lấy nước thơm tắm thân Như Lai.
- Lấy dầu thơm thoa lên tượng Phật thì người đó được ba mươi hai tướng quý và tám mươi vẻ đẹp.
- Cúng dường nước thơm cho chư tăng tắm thì được sinh vào nhà giàu có, ít bệnh mà an vui.
- Khởi tâm từ mà bố thí, thì dung nghi hòa nhã, không còn sân hận.
- Khởi tâm bi mà bố thí thì xa lìa tâm giết hại.
- Khởi tâm hỉ mà bố thí, thì được vô sở úy, không còn lo buồn sầu não.
- Khởi tâm xả mà bố thí, thì xa lìa chướng ngại, được niềm vui Niết-bàn.
- Bố thí nhiều phẩm vật, thì được nhiều phúc.
- Khởi tâm vô trụ vô tướng mà bố thí, thì chứng được Vô thượng chính đẳng chính giác.
Đức Phật Gotama Muni thực hành Pháp Bố Thí siêu việt hơn những hạnh khác, bởi vì thế giới chúng ta ở đây có 5 điều ô nhiễm mà thời kỳ của chư Phật khác không có, những ô nhiễm đó là:
– Kiếp trược
– Kiến trược
– Phiền não trược
– Chúng sanh trược
– Mạng trược
Do có 5 điều ô nhiễm đó nên thời kỳ này người nghèo khổ, người chết vì đói…. ngày càng nhiều bởi lòng ích kỷ và tính tham lam của chúng sanh mà tạo ra.
Pháp Hành Bố Thí giúp hành giả trở nên giàu sang trong đời sống hiện tại. Pháp Hành Bố Thí cũng là của chôn để dành cho đời sau , cho nên sự thù thắng của Pháp Hành này rất tuyệt hảo.
Những hành giả sơ cơ do nhờ Pháp Hành Bố Thí mà trở nên giàu sang đầy đủ ở bên ngoài, bên trong hành giả thanh tịnh khiến cho những đặc tính tham lam, ích kỷ, keo kiệt được tịnh hoá.
Trong Mật Thừa những hành giả nghèo khổ thiếu thốn thường được khuyên thực hành Bổn Tôn Zdambala (Hoàng Tài Bảo Thiên), riêng dòng Kadhampa thực hành Bổn Tôn Vaishravana (Tài Bảo Thiên Vương ) để tăng trưởng tài bảo trong đời sống, khiến cho đầy đủ những thiếu thốn nghèo đói và khó khăn trở ngại.
Những sự thành tựu về tài bảo và cuộc sống đầy đủ này được tăng trưởng nhờ vào năng lực tịnh hoá tính tham lam keo kiệt, bủn xỉn, ích kỷ, là nguyên nhân của sự nghèo đói và tai chướng.
Nhiều hành giả mặc dù thực hành miên mật Bổn Tôn Tài Bảo nhưng họ chỉ có được chút ít thành tựu, đây là do họ chỉ chú trọng thực hành bên ngoài mà không thực hành Pháp Hành Bố Thí.
Cho nên để thực sự trở nên giàu sang và đầy đủ, ngoài việc thực hành Bổn Tôn Tài Bảo thì Bố Thí chính là phương tiện thù thắng nhất. Hành giả thực hành Bổn Tôn Tài Bảo khiến cho công đức sinh trưởng, mặc dù như vậy họ vẫn thiếu phước báu thế gian, để tích luỹ phước báu thế gian không có cách nào khác ngoài Pháp Hành Bố Thí. Thật không đúng khi chúng ta nói rằng đã được tịnh hoá ích kỷ tham lam bủn xỉn mà không muốn bố thí.
Sự bố thí đến chúng sinh thế gian nghèo đói bệnh tật sẽ đem lại của cải và sức khoẻ cho chúng ta.
Việc Bố Thí (Dana) trong cách thức cao thượng tốt đẹp hơn là Cúng Dường (Puja), đối tượng để thực hành Pháp Cúng Dường chính là Đạo Sư (Guru), Tăng Đoàn (Sangha).
Đối tượng để chúng ta thực hành Pháp Bố Thí là tất cả chúng sinh, nhưng với những Bậc Phạm Hạnh thì chúng ta không gọi là Bố Thí (Dana) mà gọi là Cúng Dường (Puja), sự khác biệt giữa 2 đối tượng chính là sự thực hành trong đời sống hằng ngày tạo nên.
Chư Đạo Sư là đối tượng tối thượng cho sự Cúng Dường (Puja) bởi vì chính sự Giác Ngộ đồng đẳng cùng chư Phật. Chúng ta cần hiểu rõ thuật ngữ Guru – Đạo Sư là danh xưng tôn kính và quý báu chỉ dành cho Bậc Cao Thượng. Mật Thừa khi nói đến Guru – Đạo Sư thì cũng chính là nói về Phật Đà, hàm ý chính là muốn chúng ta hiểu rằng Guru – Đạo Sư chính là Phật Đà ở trong hiện tại.
Đối tượng thứ 2 của sự cúng dường đó là Sangha (Tăng Đoàn), trong truyền thống Mật Thừa nói chung và Phật Giáo Tây Tạng nói riêng chỉ đến cộng đồng chư vị Tỳ Kheo (Bikkhu) sa di (Samanera) , Tỳ Kheo Ni (Bikkhuni), sa di ni (Samaneri), Du Già Sư (yogi – yogini), những bậc này đều thực hành sự từ bỏ thế tục và hướng tâm đến Phật Quả Tối Thượng.
Trong Phật Giáo Tây Tạng nói chung và Dòng Truyền Thừa Kadhampa nói riêng, những bậc tôn quý có thành tựu Pháp Hành – Pháp Học được gọi với danh xưng Rinpoche (Đấng Tôn Quý), đây chính là sự công nhận đặc biệt về Pháp Hành của một bậc tu hành. Ở Tây Tạng có nhiều Lama nhưng không nhiều Rinpoche (Bậc Tôn Quý), bởi vì tính chất đặc biệt của danh xưng này phải được Tấn Phong bởi Pháp Vương Tôn Quý, cũng chính là sự ấn chứng thành tựu tu hành của bậc Phạm Hạnh.
Để thực hành Pháp Tài Bảo chân chánh chúng ta ngoài việc trì tụng mật chú, thiền định về Bổn Tôn Tài Bảo thì chúng ta cần thực hành Pháp Bố Thí (Dana) – Cúng Dường (Puja). Cho đến khi chúng ta thực hành được Pháp Hành đặc biệt này, phước báu thế gian sẽ sinh trưởng lớn mạnh, đây cũng giống như việc chúng ta đã có hạt giống mà thiếu đất đai màu mỡ , khi thực hành Pháp Bố Thí (Dana) – Cúng Dường (Puja) cũng là lúc chúng ta gieo trồng hạt giống. Đó cũng là lý do vì sao chiếc y Casa của chư Tăng có những mảnh ghép lại, nếu chúng ta mở rộng y casa ra sẽ thấy những mảnh vải vuông ghép lại với nhau như thửa ruộng, hàm ý của Phật Đà khi dạy chư Tăng may y thành thửa ruộng với hàm ý Chư Tăng là đất đai màu mỡ, là ruộng phước điền của chúng sanh. Khi chúng ta cúng dường (Puja), chúng ta sẽ được tăng trưởng những thành tựu mong cầu khiến đủ đầy trong đời sống.
~H.H 17th Kadham Dongchen Rinpoche~