
Tôn ảnh: Chủng tự AH trong pháp đàn Homa chẩn tế siêu độ vong linh
Trong kinh Địa Tạng, đức Phật dạy: “Người quá cố linh hồn đọa lạc nơi chốn u đồ, khổ đau không kể xiết, linh hồn luôn luôn hướng về thân nhân con cái, họ rất mong con cái tu tạo phước đức để hồi hướng, thì người đã khuất mới được một phần nhẹ nhàng. Nghiệp chướng của chúng sinh vô lượng kiếp đến nay xâu kết tham luyến rất nặng nề. Ác nghiệp và chướng ngại có thể đến qua nhiều phía trong đời hiện tại hoặc đó là những ác nghiệp, chướng ngại được tích lũy từ vô thỉ kiếp tạo ra vòng luân hồi sinh tử không khi nào dứt.
Theo quy luật nhân quả trong Đạo Phật, khổ đau hay hạnh phúc do nghiệp quyết định. Tất cả chúng sinh có mặt trên cõi đời này đều từ nghiệp lực mà sinh ra, nghiệp ấy do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Nhìn từ góc độ Phật giáo thấy rằng tất cả chúng sinh đã từng có nhân duyên nghiệp lực với nhau nhiều đời, nhiều kiếp trong chốn sinh tử này.
Trong Mật Tông kim Cang Thừa, đàn chẩn tế Homa dùng nghi thức Hỏa tịnh là một trong những pháp phương tiện siêu việt giúp hóa độ các vong linh đã khuất thoát ly khỏi mọi vướng mắc để siêu sinh cực lạc. Kết hợp với việc hành giả (tức người lễ) phải có lòng thành thanh tịnh, tam nghiệp thân, khẩu, ý tương mật mới nhập vào cảnh giới nhất tâm. Tâm cảm được Phật lực mới có lợi ích cho việc siêu độ thân nhân quá vãng, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Ý nghĩa của Pháp Đàn Homa, đàn tràng thực hiện Nghi quỹ Hỏa Tịnh cầu siêu Địa Tạng, hóa độ chúng sinh nằm ở chỗ nếu hiện đời thoát ly được tham luyến thì sau khi chết, do đã dứt trừ luyến tham, thần thức chắc chắn sẽ siêu rỗi, nhất tâm cầu nguyện hướng đến Đạo Sư và Tam Bảo, mọi sinh linh sẽ không còn chìm trong sinh tử luân hồi khổ đau nữa.
Thấu hiểu được những mong mỏi của chúng sinh, Thánh Đức Pháp Vương Kadham Dongchen Rinpoche đời thứ 17 quyết định tiếp tục lập Pháp Đàn Homa – Nghi thức Hỏa tịnh đàn cầu siêu Địa Tạng nhằm giúp những chúng sinh được hóa độ về miền cực lạc.
Qua việc thực hành nghi lễ, Đạo Sư – Thánh Đức Pháp Vương Kadham Dongchen Rinpoche đời thứ 17 cũng không quên răn dạy các Phật tử và hành giả Kim Cương thừa nên nhớ khi đã là phật tử tại gia, ngoài vấn đề bố thí tiền tài, cần bố thí pháp thông qua chia sẻ kinh nghiệm tu học cùng đạo bạn, giáo dục con cháu trong gia tộc và thân nhân quyến thuộc hiểu được lý lẽ thâm sâu của đạo Phật; theo đó phát nguyện quy y Tam Bảo, phát tâm cúng dường ngôi Tam Bảo, ấn tống sách Phật giáo và ủng hộ Tam bảo trường tồn là điều phước đức lớn để siêu độ thân nhân. Nếu chúng ta không có tiền tài bố thí, thì có thể chia sẻ với người đang đau khổ bằng tình thương và sự hiểu biết, đó cũng là công đức vô lượng.
Thực tế cuộc sống cho thấy, đời người thường lo âu, sợ hãi, họ sợ mất mát thất bại, sợ khổ đau. Giúp cho họ sống có trí tuệ, sống có đạo lý là cách bố thí rất thiết thực. Cùng việc phát khởi lòng Lòng Từ Bi với chúng sinh hay phát tâm quy y Tam Bảo, thọ trì giới pháp là việc làm thiết thực nhất, hợp với nghĩa lý Đức Phật đã răn dạy. Chúng ta biết, con đường Giới, Định, Tuệ là con đường giải thoát khổ đau chúng sinh và để con đường ấy luôn đi đúng trong chánh niệm thì nương tựa bậc Thượng Sư chân chính là cách thức tiên yếu giúp những mong cầu của hành giả đến gần hơn với mục đích tối thắng trong quá trình hành trì miên mật.
~Dòng truyền thừa Kadampa Cổ~