
Tôn ảnh: Đức Heruka Chasam Chakrasamvara
1./HỎI: Bạch Đạo sư, Niềm tin hướng tới Đạo sư quan trọng thế nào trong tu Mật? Làm thế nào để tăng trưởng niềm tin nơi Đạo sư ạ?
ĐÁP: Đức Atisha có nói rằng “Đạo Sư là tuyệt hảo”. Trong Kệ sùng kính đạo sự của Thánh Mã Minh nói rằng “Tôi tán dương các bậc thầy Mật Tông đã được điểm đạo và truyền pháp đúng đắn”. Ý nói rằng các bậc thầy – Đạo Sư trong Mật Tông, có được danh hiệu Guru không đơn giản. Dù Mật Tông có rất nhiều Lama và Rinpoche nhưng để trở thành Đạo Sư phải là những bậc chứng ngộ, trải qua giai đoạn nhập thất, như Thầy là 6 năm, sau đó phải thi triển được những năng lực đặc biệt
Ví dụ có năng lực chữa bệnh thậm chí học thuật trí tuệ – giải đáp, chưa có câu hỏi nào mà thầy không trả lời được. Thậm chí là những năng lực đặc biệt thông qua lời nói để thuần phục tâm của những chúng sinh cứng rắn nhất. Lòng bi mẫn phải luôn là tuyệt đối.
Niềm tin hướng tới Đạo Sư quan trọng vô cùng Trong Mật Tông, chưa kể đến các vị Phật hay Bồ Tát, người quan trọng ấy là Đạo Sư. Bởi vì Vị Đạo Sư là người kế thừa, là chân truyền, là vị Phật hiện tại, là Bồ Tát hiện tại, Con biết đến Mật tông, đến Phật Pháp đều là nhờ vị Đạo Sư. ở Mật Tông không phải chỉ có bằng cấp mà có thể giảng Pháp mà phải là một vị Đạo Sư, là bậc thành tựu và là bậc chân truyền.
Bản thân thầy được tấn phong chính thức bới Thánh Đức Pháp Vương Kadam Trichen Rinpoche đời thứ 25, vị thống lĩnh dòng truyền thừa Kadam công nhận là một vị Đạo Sư thành tựu, người nắm giữ giáo pháp 16 giọt Kadam và các giáo pháp khác của dòng, thầy được phép chân truyền, nhận học trò và giảng dạy khai thị.
Để tăng trưởng niềm tin với Đạo Sư là tùy vào bản thân của con. Niềm tin là ở bên trong con, thầy không cách nào bắt con tin thầy. Con hãy nhìn vào sự thật vào chân lý, hơn nữa phải tu hành và ứng dụng nó vào đời sống này nếu con cảm thấy những sự vi diệu này thật sự đem lại lợi ích cho bản thân, cho chúng sinh. Niềm tin tăng trưởng, không ai có trách nhiệm bắt chúng ta phải tin và chúng ta cũng không bắt buộc phải tin ai. Nếu muốn tin thầy hãy tự xem mình là một người bệnh cần thuốc, nương tựa Đạo Sư giống nương tựa một người thầy thuốc chữa bệnh cho con. Nuôi dưỡng lòng tin nơi người thầy là cách chữa trị tốt nhất.
Ví dụ như Thầy trao truyền giáo pháp cho 3 người học trò, thì người nào nuôi dưỡng lòng tin vững chắc nhất thì người đó thành tựu đầu tiên. Niềm tin nơi con là quan trọng nhất. Mỗi ngày hãy trì trú và tu hành theo phương pháp mà vị Đạo Sư đó chỉ dạy, quán tưởng tới vị Đạo Sư của mình.
Trong Mật điển có nói “Một giây phút con nghĩ về Đạo Sư của mình, công đức lớn hơn con thiền định một trăm ngàn bổn tôn khác vì vị Đạo Sư là Phật”. Nhất là ở dòng truyền tâm này, vị Đạo Sư chính là vị khai thị tâm cho hành giả. Hãy cúng dường bằng nhang, đèn, hoa và quán tưởng vị Đạo Sư. Lúc đệ tử nghĩ đến thầy, niệm chú của thầy còn linh nghiệm hơn kêu cầu các vị thần. Vị nào không thể làm lợi lạc cho chúng sinh dù là việc nhỏ nhất, vị ấy không thể là Đạo Sư!
2./HỎI: Bạch Đạo Sư, khi đi ngoài đường gặp những chúng sinh đang khốn khổ, con có thể phát tâm bồ đề nguyện cho họ bớt khổ không? Và làm thế nào để lời nguyện của con đến được với chúng sinh ạ?
ĐÁP: Con có thể phát tâm Bồ Đề cho họ, hãy nguyện “Tôi nguyện đem công đức của mình có được hồi hướng đến những chúng sinh khổ đau này nguyện cho họ thoát được mọi khổ đau và tôi cũng vậy”. Để lời nguyện của con đến với chúng sinh hãy hướng tâm đến họ, thương yêu như mẹ nghĩ đến con. Hãy làm những việc để tích lũy công đức và hồi hướng cho họ “Nguyện đem tất cả công đức phước báu của tôi đến với tất cả chúng sinh đang cần thọ hưởng. Chúng sinh quá vãng thì được vãng sanh, chúng sinh hiện tại được an lạc”. Như vậy là đủ.
Mỗi ngày, Thầy đều hướng nguyện “Những công đức tôi có được thuộc về tôi đem đến cho chúng sinh, phần nào của chúng sinh xin cho tăng gấp bội, nguyện cho tôi làm công cụ để chúng sinh được hạnh phúc, nguyện cho tôi làm tùy tùng của mọi chúng sinh, nguyện cho những khổ đau của chúng sinh xin về tôi, nguyện tôi gánh lại tất cả những khổ não của họ để họ được an lạc hạnh phúc”.
Ai đã đọc 17 lời phát nguyện của Thầy sẽ thấy rằng khi tâm con không còn chứa đựng những gì là “chất độc” và tâm chỉ có tinh túy của Bồ Đề thì con sẵn sàng làm mọi thứ tốt nhất cho chúng sinh như người cha mẹ thương con cái một cách tuyệt đối. Khi đã phát khởi tâm Bồ Đề, hãy đừng sợ hãi mà mạnh mẽ, nguyện cho chúng sinh được hạnh phúc. Những lời nguyện của Thầy luôn là chân chính không có một sự giả dối nào được che đậy. Càng ngày càng lời nguyện của Thầy phát ra mạnh mẽ và Thầy càng thành tựu hơn bởi Đức Phật từng nói: “Như Lai chưa từng thấy bất cứ lời nguyện thanh tịnh nào chưa thành tựu”. Không phải tâm lợi kỉ mà vì tình thương thật sự cho chúng sinh. Đây là cách duy nhất để gieo vào chủng tử của họ một cách thống thiết nhất và gieo vào tâm Bồ Đề trong họ.
~ H.H 17th Kadam Dongchen Rinpoche ~
Trích từ bài giảng Chuyên mục Phật Pháp Vấn Đáp ngày 22/05/2022