
Đức Pháp Vương Hiss Holiness 17th Kadham Dongchen Rinpoche được công nhận là Hóa Thân của Bậc Đại Thành Tựu Giả Tumton Londro Drakpa (1106-1160) – Bậc Thủ Trì Ngai Vàng của Tu Viện Narthang Gompa – Bậc Thánh Tổ có công khai mở truyền thống Phật Học Tây Tạng mà ngày nay cả thế giới kính ngưỡng.
Vì lời nguyện mãnh liệt từ nhiều kiếp trước nên Đức Pháp Vương Dongchen Rinpoche đã chọn tái sanh ở đất nước Việt Nam nhỏ bé, nơi mà Truyền Thống Phật Giáo Kim Cương Thừa vẫn là một thứ gì đó mới mẻ trong đa số tâm trí người dân. Tuy nhiên với bồ đề tâm vô lượng của mình, Ngài đã thị hiện vô số những lần bảo hộ linh thánh và phép lạ chữa lành những căn bệnh hiểm nghèo cho hết thảy những chúng sinh đau khổ một lòng hướng tâm cầu khẩn đến ngài mà không hề bỏ sót.
Thánh Đức Pháp Vương H.H Kadham Dongchen Rinpoche ngày đêm hoằng truyền chánh Pháp và thực hiện nhiều hoạt động cứu độ. Mặc dù mỗi ngày thân thể chịu nhiều đau đớn, bệnh tật do hạnh nguyện nhận lãnh những khổ đau của chúng sanh mà ngài đã phát thệ, nhưng Đức Dongchen Rinpoche chưa từng tỏ ra nản chí mà thậm chí ngài còn phát ra tâm nguyện cứu độ mạnh mẽ hơn với mong muốn đào tạo nên những thế hệ của các Bậc Trì Minh, những vị Đạo sư, Rinpoche cao quý là người Việt Nam nhằm hiện thực hóa hạnh nguyện cứu độ chúng sanh Việt Nam bằng những giáo lý mật thừa tối thắng.
Để giúp các quý phật tử Việt Nam hiểu rõ hơn về hạnh nguyện tối thắng của Đức Pháp Vương Dongchen Rinpoche, chúng tôi đã thực hiện một buổi phỏng vấn trực tiếp với ngài:
1/. Hỏi: Bạch Pháp Vương, vì sao ngài lại muốn truyền những giáo lý mật thừa (Kim Cương Thừa) về Việt Nam mà không phải ở các quốc gia khác?
Rinpoche: Bất cứ bậc đạo sư nào cũng có hạnh nguyện đem Giáo Lý Phật Đà để truyền bá làm lợi lạc cho hữu tình chúng sinh. Và thầy cũng không ngoại lệ. Kể từ khi được tấn phong và nhận phó thác từ Đức Pháp Vương H.H 25th Kadham Trichen Rinpoche, thầy đã phát nguyện dù thân mạng này có mất đi thì thầy vẫn sẽ không ngừng làm lợi lạc cho chúng sanh bằng nhiều cách thức và phương tiện.
Trong sâu thẳm tâm thức của người Việt nam chúng ta luôn ẩn chứa một tâm thức mãnh liệt hướng đến chánh pháp của chư phật đà. Tuy nhiên với sự hiểu biết chưa đúng đắn do bị ảnh hưởng của nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau nên đã cản trở tâm thức mạnh mẽ này đi đúng hướng. Và đó cũng là lý do mà thầy đã phát nguyện làm lợi lạc cho chúng sanh Việt Nam bằng những giáo lý, nghi quỹ mật thừa phù hợp với từng căn cơ chúng sanh để phá chấp những mê lầm, tà kiến và định hướng lại cho họ đi đúng trên con đường tối thượng của Như Lai.
2/. Hỏi: Bạch Pháp Vương, con được biết con đường hoằng Pháp của ngài rất vất vả và chông gai vậy có bao giờ ngài cảm thấy nản lòng mà thoái chuyển tâm không?
Rinpoche: Trong suốt thời gian qua, thầy đã cố gắng rất nhiều để thực hiện hạnh nguyện cứu độ của mình. Thậm chí những đệ tử thân cận luôn khuyên thầy phải giữ gìn sức khoẻ, đừng lo nghĩ hay giúp chúng sinh quá mức mà tổn hại sức khỏe bản thân. Thầy biết tâm ý của các đệ tử đó thực sự lo lắng cho thầy nên mới khuyên thầy như vậy. Nhưng quả thật rất khó để thực hiện lời khuyên này. Dù cho có khó khăn, vất vả như thế nào cũng không thể lay chuyển hạnh nguyện cứu độ mà thầy đã phát ra. Đối với thầy, những chức vụ và nhiệm vụ thầy được Pháp Vương Trichen Rinpoche giao phó là một đặc ân may mắn của bản thân thầy. Và thầy sẽ sử dụng đặc ân này hướng tới hạnh nguyện độ chúng bằng những giáo lý Kadhampa linh thánh với một tâm bất thoái chuyển!
3/. Hỏi: Bạch Đạo Sư, như chúng con được biết, Thánh Đức Pháp Vương 25th Kadham Trichen Rinpoche là Hoá Thân của Bậc Tôn Giả Atisha Dipamkara vĩ đại. Vậy điều này có đúng không ạ?
Rinpoche:
Thánh Đức Pháp Vương 25th Kadham Trichen Rinpoche được công nhận là Hoá Thân Bậc Thánh Tổ Atisha Dipamkara, ngài cũng được công nhận là Ganden Tripa (Đấng Trì Giữ Ngai Vàng của tu viện Ganden) trong quá khứ… hay rất nhiều hoá thân cao cấp khác của ngài cũng đã được nhiều vị Rinpoche cao cấp công nhận tại lễ lên ngôi của ngài ở Tu Viện Ganden Jangtse.
Trước khi được Đức Dalai Lama 14 công nhận là Hiss Holiness 25th Kadham Trichen Rinpoche, Pháp Vương Trichen Rinpoche được biết đến với Danh Hiệu H.E Serkyong Tritul Rinpoche (Tritul là Tôn Hiệu cho những Tulku từng là Ganden Tripa trong quá khứ) đồng thời ngài cũng là một Rinpoche cao cấp của Dòng Gelugpa. Để thực hiện hạnh nguyện độ chúng của mình, Ngài đã cho xây dựng rất nhiều tu viện lớn trên thế giới như tu viện New zealand, Đài Loan, Nepal… và đã dẫn dắt vô số các hàng đệ tử trên khắp thế giới. Tại Tây Tạng, Pháp Vương đã được chính phủ Bắc Kinh trao trả Viện Bảo Tàng Thánh Tích Tây Tạng, tất cả tu viện Phật Giáo của các tông phái Tây Tạng, Học Viện và Đại Học Phật Giáo đã được mở trở lại dưới sự bảo trợ của Thánh Đức Pháp Vương Trichen Rinpoche.
Trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng nói chung và Phật Giáo Himalaya nói riêng, Thánh Đức Pháp Vương rất được coi trọng và tôn kính. Đặc biệt đối với truyền thừa Kadhampa cổ (Kadhampa Green Sect) và Tân Kadhampa (Gelugpa Yellow Sect), ngài có vị trí vô cùng quan trọng vì đã góp công lớn trong công cuộc xoa dịu tình trạng căng thẳng tại Tây Tạng và khôi phục thành công truyền thống phật giáo cổ xưa tại đất nước này.
4/. Hỏi: Bạch Pháp Vương, con được biết Ngài đang chuẩn bị kinh phí rất lớn cho buổi lễ Tấn Phong lần hai. Con cũng đã từng được tham dự lễ Tấn Phong lần thứ nhất của ngài tại Đài Loan và thấy nhiều vị Rinpoche Dòng Drukpa, các vị Tôn Đức Hoà Thượng của Phật Quang Sơn Tự ở Đài Loan tham dự. Hơn nữa trong buổi lễ đó, Thánh Đức H.H Kadham Trichen Rinpoche cũng đã giới thiệu một vị Rinpoche danh tiếng tại Nepal đã đến tham dự và cụng đầu chúc phúc Pháp Vương. Vậy tại sao Thánh Đức H.H Kadham Trichen Rinpoche vẫn muốn thực hiện thêm lễ Tấn Phong lần thứ 2 cho ngài?
Rinpoche:
Mặc dù thầy đã làm lễ Tấn Phong lần thứ nhất tại Đài Loan và cũng đã nhận Chứng Thư Xác Nhận và Pháp Bảo, tuy nhiên Đức Pháp Vương Trichen Rinpoche đã nói rằng: “Vì thời gian quá vội nên Lễ Tấn Phong này chỉ được thực hiện với quy mô nhỏ, chúng ta cần làm một buổi lễ với quy mô lớn hơn. Buổi lễ thứ hai này cần có sự góp mặt của 100 Rinpoche danh tiếng đến từ Dòng Truyền Thừa Kadhampa và Gelugpa để trao chứng thư công nhận cho Dongchen Rinpoche.”
Bởi vì Thầy được công nhận là Hoá Thân của Bậc Thánh Tổ Tumton Londro Drakpa – Đấng Trì Giữ Ngai Vàng đầu tiên của Đại Học Viện Kadhampa Narthang Gompa. Học viện này cũng là nơi xuất thân của Đức Dalai Lama và nhiều Rinpoche cao cấp khác. Vì sự vĩ đại và hạnh nguyện tối thắng của Tổ Tumton Londro Drakpa các đời trước nên sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến truyền thống Kadhampa hiện tại và Phật Giáo Kim Cương Thừa nói chung, vì vậy Lễ Tấn Phong này sẽ được truyền thông rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Việc chuẩn bị số lượng lớn kinh phí là điều cần thiết để tổ chức buổi lễ thứ 2 thật chu đáo chứ không thể qua loa.
5/. Hỏi: Bạch Pháp Vương, vậy Đại Lễ Tấn Phong có ý nghĩa như thế nào trong truyền thống Kim Cương Thừa?
Rinpoche:
Việc tìm ra một bậc Tulku (Bậc Tái Sanh) trong truyền thống Phật Giáo Kim Cương Thừa không đơn giản chỉ là sự xác nhận. Thực hiện những buổi lễ lớn hay nhỏ còn phụ thuộc và cương vị mà vị Tulku đang được giao phó.
Lễ Tấn Phong được thực hiện với mục đích thông cáo với hiệp hội Phật Giáo quốc tế rằng một bậc Rinpoche cao cấp đã được tìm thấy. Đây là một đặc ân rất lớn đánh dấu vị trí một bậc lãnh đạo tôn giáo được công nhận để làm lợi lạc đến tất cả chúng sinh và thầy cũng là Rinpoche cao cấp duy nhất là người Việt Nam được công nhận dưới cương vị là một Pháp Vương.
Thực chất, Lễ Tấn Phong ở Đài Loan giúp xác nhận vị trí của thầy để tránh những kẻ ác tâm vô minh xuyên tạc và phỉ báng chánh pháp. Vì thời gian quá gấp, nên Pháp Vương Trichen Rinpoche cũng chỉ kịp quay lại video và livestream trực tiếp để thông cáo cho tất cả những bậc lãnh đạo và Rinpoche cao cấp biết đã tìm thấy một bậc Hoá Thân cao cấp của dòng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng Truyền Thừa Kadhampa nói riêng, cũng như đến nhiều tín đồ Phật tử trên thế giới cũng như các hiệp hội Phật Giáo nói chung.
Thánh Đức Pháp Vương Trichen Rinpoche cũng giao phó trách nhiệm cho thầy xây dựng các trường đại học, học viện và tu viện Phật Giáo để tiếp tục thực hiện công hạnh cứu độ chúng sanh ở nhiều quốc gia khác nhau không chỉ riêng tại Việt Nam.
6/. Hỏi: Bạch Pháp Vương, vậy ngài có thể cho biết những kế hoạch trong tương lai của ngài trong công cuộc hoằng dương giáo lý Kim Cương thừa tại Việt Nam?
Rinpoche:
Cũng như nhiều bậc tôn túc khác, thầy cũng mong muốn làm lợi lạc cho chúng sinh nhiều nhất có thể trong khả năng của mình. Vì là Bậc Tulku đầu tiên người Việt nên thầy sẽ dễ dàng hơn trong việc trao truyền Giáo Lý Mật Thừa đến với người dân Việt Nam. Thầy cũng đã trước tác một số bộ luận giải theo Truyền Thống Dòng Kadhampa mà Tổ Atisha Dipamkara trao truyền cũng như khôi phục lại Truyền Thống Nalanda Thanh Tịnh tại đất nước của chúng ta.
Hiện tại, để thọ nhận những giáo lý Mật Thừa, người Việt chúng ta đều phải đi sang các nước như Nepal, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Tây Tạng… để tu học hay nhận quán đảnh. Đa phần người Việt chúng ta đều tự tu theo Đông Mật không có sự truyền thừa. Đông Mật Việt Nam khác với Chân Ngôn Tông (Shigon Buddhism) tại Nhật Bản. Hiện nay, nhiều kẻ tà đạo mượn danh Mật Thừa như Mật Tông Thiên Đình, Mật Tông Chuẩn Đề… để truyền dạy những giáo lý tà đạo hay những huyền thuật bùa ngải mê hoặc chúng sanh. Bên cạnh đó, có rất nhiều Phật Tử Việt Nam yêu thích tham cầu lắng nghe và thực hành những giáo lý mật với một tâm thanh tịnh tuyệt đối nhưng lại không có kinh phí để sang nước ngoài để thọ nhận Giáo Pháp. Hơn nữa, sự bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại rất lớn trong quá trình thọ nhận, thẩm thấu những giáo lý đã được trao truyền. Điều này đã khiến cho nhiều hành giả có những cái hiểu sai lạc về những giáo huấn của vị thầy, thậm chí tự ý thực hành những pháp tu mật dẫn đến tình trạng tẩu hỏa nhập ma, hoặc rơi lạc vào con đường tà đạo lúc nào không hay.
Hiện nay, mặc dù truyền thông Kim Cương Thừa đã có mặt tại Việt Nam nhưng sự tiếp cận vẫn còn nhiều hạn chế. Để mời các bậc Rinpoche về nước sẽ phải tốn rất nhiều chi phí, thậm chí nhiều hành giả sau khi quy y xong lại không được thân cận vị Đạo Sư của mình. Trong truyền thống Kim Cương Thừa, việc không thể thân cận, lắng nghe giáo huấn khẩu truyền và nhận sự gia trì từ đạo sư là một sự thiếu sót rất lớn.
Nhận thức rõ những hệ lụy nguy hiểm ở trên, thầy đã phát tâm nguyện mạnh mẽ truyền bá những giáo lý mật thừa đến hết thảy người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Giúp họ có thể tiếp cận với giáo lý tối thượng này một cách dễ dàng và hiệu quả nhất.
Chúng ta đã có đủ thuận duyên may mắn có thể dễ dàng diện kiến một vị Rinpoche người Việt, được tu học, lắng nghe, hành trì những nghi quỹ hay giáo lý mật bằng chính ngôn ngữ của mình mà không phải lo sợ về sự bất đồng ngôn ngữ. Đó cũng chính là một thuận duyên về hoàn cảnh. Có thể đây chính là sự ưu ái đặc biệt mà Phật Mẫu Tara đã ban cho những hành giả nghèo khó muốn tu học Mật Thừa.
Thánh Đức Pháp Vương H.H Kadham Trichen Rinpoche đã từ bi trao truyền nhiều Giáo Lý từ cấp thấp đến cấp cao cho thầy. Và hơn hết ngài đã cho phép thầy truyền dạy giáo lý mật thừa, xây dựng tu viện, học viện để đào tạo ra các vị Khenpo, Geshe Lharampa người Việt. Điều này sẽ giúp cho giáo lý Kim Cương Thừa dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, thâm nhập và trao truyền đến tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Không chú trọng trong việc tụng đọc kinh văn như các truyền thống khác, Mật Thừa chú trọng đến sự trao truyền và thọ nhận quán đảnh từ các Bậc Đạo Sư. Trong truyền thống Mật Thừa, không phải cứ tu lâu là có thể trở thành những bậc tôn quý như Pháp Vương, Tulku, hay Rinpoche. Những Bậc Kim Cương Sư là những chư vị đã có sự chứng ngộ nhất định đã được công nhận và nhận sự trao truyền từ dòng Truyền Thừa thanh tịnh liên tục không đứt đoạn. Thật may mắn khi Dòng Truyền Thừa Kadhampa của chúng ta là dòng kế thừa Nalanda thanh tịnh.
Bởi vì Mật Thừa luôn đòi hỏi sự tu học nghiêm chỉnh nên những tu viện mật tông vừa là trường học vừa là nơi tu tập của chư vị học giả uyên thâm. Mật Thừa không có chùa hay một sư trụ trì nhiều chùa, mà là một trung tâm giáo dục, nơi dạy các môn học thế tục và Phật học từ Hiển Thừa đến Mật Thừa. Các chứng chỉ được cấp từ các tu viện theo truyền thống Tạng truyền có thể sánh ngang với chứng chỉ của các trường Đại học quốc tế. Chính vì vậy nên đã có rất nhiều các vị Lama, Rinpoche được mời đến giảng dạy tại các trường đại học lớn như Đại học Harvard. Việc học tập và đào tạo tại tu viện đều hoàn toàn miễn phí, và đây cũng là sự đặc biệt mà Phật Giáo Tạng truyền đem đến cho chúng ta – Những hành giả thực sự hướng tâm đến chánh pháp của Chư Phật Đà.
– Dòng Truyền Thừa Kadhampa Việt Nam –
https://www.facebook.com/H.H.KadhamDongchenrinpoche?mibextid=ZbWKwL