
Tôn ảnh: Chuông chày Kim Cang
Trong các truyền thống Nguyên Thuỷ Và Đại Thừa, bàn thờ đại diện cho tâm linh và là đạo tràng tu hành, trong truyền thống Mật Thừa, bàn thờ không chỉ là đạo tràng mà còn là một Tịnh Độ, Tịnh Độ là nơi ở của chư Phật vì lợi ích chúng sanh các ngài đã không nhập Niết Bàn mà thành lập nên một cõi nước riêng biệt. Cho nên trong Mật Thừa, 2 Bộ đầu là Sự Mật và Du Già Mật khá chú trọng việc thực hành thông qua thờ cúng, kể cả trong nhập thất cách thức thờ cúng cũng khác nhau tuỳ vào mỗi quán đảnh được nhận.
Trong Kim Cương Thừa chú trọng vào Tam Thân là Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân Phật, mỗi vật cúng dường và thờ phượng đều có ý nghĩa riêng biệt. Trong lúc tu tập Sự Bộ Và Hành Bộ, hành giả không nên bỏ qua việc thờ phượng, nó là phương tiện giúp hành giả tích tạo công đức, bảo vệ nơi ở và là nơi để Chư Thiên trong nhà ngoài cửa được lễ bái, là nơi Cửu Huyền Thất Tổ được tạo công đức thông qua việc nhìn ngắm Phật Bồ Tát. Bàn thờ cũng là nơi tái tạo linh khí trong ngôi nhà.
Vào khoảng những năm đầu khi truyền Phật Giáo đến Tây Tạng, Phật Giáo vẫn chưa chú trọng vào việc thờ phượng, cho đến khi Đạo Sư Liên Hoa Sinh (Guru Rinpoche) đến Tây Tạng, ngài y cứ trên Mật Điển dạy học trò cách thức thờ phượng đúng đắn.
Sau đây là cách thờ trong Kim Cương Thừa :
Tượng, tranh của các vị đại Đạo sư của dòng truyền thừa, của Guru ở khu vực trung tâm của bàn thờ (Thân). Theo truyền thống Mật thừa, Guru bao giờ cũng là quan trọng nhất.
Tiếp đến là tượng tranh của chư Phật, chư Bổn Tôn (Thân).
– Bên phải tượng, tranh là các tập sách, các bản kinh (Khẩu).
– Bên trái là tháp bảo (Ý). Nếu có thể đặt xá lợi vào trong tượng thì nên đặt ở phần đầu của tượng.
Có nhiều cách để cúng dường. Có thể sắp đặt 8 món cúng dường, trong đó các phẩm vật cúng dường càng quý giá càng tốt, nhưng nếu không có điều kiện thì cúng nước cũng tốt. Tất cả các chén bát đựng đồ cúng dường phải sạch sẽ, không vỡ, không có nguồn gốc phi pháp. Phải trong sạch cả về tinh thần và hình thức. Nếu đồ cúng dường bị sứt mẻ phải đổi ngay lập tức.
Cúng nước: cúng càng nhiều càng tốt, tuy nhiên theo truyền thống Tây Tạng thì nên cúng 5 hoặc 7 chén nước. Trước khi cúng, lấy khăn sạch lau sạch, khô các chén. Khi rót nước cúng, phải để ý không để chén không trên bàn thờ. Có 2 lý do phải làm như vậy: Thứ nhất, ngạ quỷ có thể vào cư trú các chén rỗng để ngửa. Thứ hai, để các chén rỗng trên bàn thờ là không có dấu hiệu cát tường, vì dấu hiệu cát tường bao giờ cũng là viên mãn, tràn đầy. Trạng thái rỗng không là trạng thái nghèo nàn. Rót đầy từng chén, để lên bàn thờ rồi tiếp tục chén tiếp theo. Hoặc rót một chén có nước, từ chén đó đổ qua các chén khác, mỗi chén vài giọt nước là được. Đặt các chén nước lên bàn thờ, sau đó rót thêm cho đầy. Đặt các chén thẳng hàng, không nghiêng ngả, cách đều nhau. Khoảng cách giữa các chén phụ thuộc chén to hay nhỏ. Nước cúng phải lấy từ vòi ra rồi cúng luôn, không dùng nước đun chín. Khi rót nước phải tập trung & thành kính, không được rơi rớt nước ra ngoài. Không rót quá đầy, cũng không quá vơi. Vừa rót nước, vừa trì chú OM AH HUNG.
Tụng chú RAM YAM KHAM trong lúc thanh tịnh hóa các phẩm vật cúng dường: Đốt hương (nhang) huơ lên: thanh tịnh bằng lửa.
Dùng quạt phẩy nhẹ: thanh tịnh bằng gió.
Dùng chân hương (chân nhang) nhúng vào ly nước, vẩy nhẹ vài cái: thanh tịnh bằng nước.
Chú ý: khi sắp đặt các vật cúng dường, nên đeo khẩu trang để tránh vô tình thưởng thức hương thơm cũng như tránh làm dơ bẩn các phẩm vật.
Thay nước trước mỗi thời công phu hoặc thay nước vào cuối ngày, trước khi mặt trời lặn, không được thay nước vào buổi tối. Nếu lỡ quên thì để sang sáng hôm sau, trước thời công phu mới thay nước. Nếu thay nước vào lúc mặt trời lặn, trời tối, ngạ quỷ hoặc các chúng sinh yếu bóng vía khi nhìn thấy bình nước sẽ tưởng là bình máu. Làm như vậy là mình đã tạo nghiệp vì làm họ sợ.
Nước đã cúng nên đổ vào một cái bình và úp chén xuống. Sau đó đổ nước đi vào nơi sạch sẽ (tưới cây) chứ không được đổ ở nơi đường xá, nơi dơ bẩn, nơi có người bước chân lên.
~~~
Trong khi Thiền Định Về Ánh Sáng Kim Cương, trong linh kiến thầy đã diện kiến Đức Liên Hoa Sinh và được ngài nhắc nhở về cách thức tu tập bên ngoài và bên trong như sau:
1- Dù con có tâm thật tốt hoặc là một hành giả đầy trí tuệ, phương tiện bên ngoài không được xem thường, nhất thiết phải được thiết lập bàn thờ tu tập đúng cách, vừa tạo được công đức cho bản thân, vừa tạo công đức cho cửu huyền thất tổ.
2- Dù con Giác Ngộ bản chất tâm, hãy dụng phương tiện đúng cách, phương tiện là nền tảng của mọi thiện đức, thờ phượng đúng cách sẽ giúp cho năng lượng được lưu chuyển tốt nhất, tinh linh xấu ác sẽ không thể gây hại cho hành giả, giúp việc thực hành được phát triển tốt.
3- Những ai xem thường phương tiện của thờ cúng, kẻ đó sẽ chẳng có bất cứ thành tựu nào. 50 ngũ ấm ma luôn trực chờ phá chúng sanh, nên thật ngu si khi con nghĩ rằng, thờ phượng sơ sài là chấp nhận dược. Dù con là một hành giả nghèo khó cũng hãy thờ phượng đúng cách, bởi vì như vậy Tài Bảo mới được duy trì và phát triển, tâm thức theo đó cũng được nâng cao.