
Với một hành giả, tập trung vào một minh chú hay một đề mục định thì không có gì là khó. Nhưng khi bước vào giai đoạn nhận biết tâm (Quán tâm), lại khó như việc lấy nước từ đáy biển. Thói quen của chúng ta là trốn chạy phiền não, nuôi dưỡng nó bằng cách làm hài lòng tham sân si, xoa dịu tham sân si bằng cách thực hiện những gì nó muốn… làm tăng trưởng mạnh tục đế. Nó xuất phát từ tâm nhiễm ô. Nếu muốn hạnh phúc mà không nhận biết hay quán sát tâm thì cũng như đứa trẻ muốn ăn mau chóng lớn, điều ấy chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng của một em bé.
Có rất nhiều hành giả, khi nghe tôi dạy về minh sát, họ đã nhếch mép xem đó là “Tiểu Thừa”. Nhưng tôi chỉ thấy họ thật đáng thương, vì họ vẫn đang sống với tâm đầy khổ đau. Chẳng có một phương pháp nào trong Phật Giáo vượt ra khỏi việc quán sát tâm. Dù là thiền quán Bổn Tôn, Tsalung, Phowa của Mật Thừa; hay Tham Thoại Đầu, Truy Vọng của Thiền Tông; Niệm phật của Tịnh tông; tụng kinh của hiển thừa; hay minh sát – thiền định của Nam Tông – Nếu không hướng về việc thấy rõ chân tâm tự tánh thì chẳng khác gì là ngoại đạo. Đức Phật thuyết 49 năm theo Đại Thừa, 45 năm theo nguyên thuỷ, ngài cũng chẳng rời tâm mà giảng. Ngài đã phân tích cặn kẽ những quá trình tâm, dạy nhiều phương pháp để thấy tâm, biết tâm, và cuối cùng rốt ráo là giác ngộ về tâm.
Câu hỏi của chúng ta thường đặt ra là “Tại sao phải là tâm mà không phải là thân ?
Đơn giản vì Đức Phật là bậc trí tuệ, ngài hiểu rõ thân này nếu không có tâm thì đồng như cỏ cây (Vô tri vô giác). Tất cả từ hoạt động, suy nghĩ, kể cả sự điều khiển thân thể thì “tâm” vẫn là trung tâm. Cái hiểu sai lầm tâm chính là “trái tim”. Nhưng chẳng bản kinh phật giáo dạy tâm chính là tim, Tâm được phân ra nhiều loại, có một loại tâm được gọi là tâm hữu phần (Tàng Thức), nhưng nó không phải là nói tất cả về tâm mà chỉ là một trong các tâm mà thôi. Cách dễ nhất để quan sát tâm đó niệm. Khi có suy nghĩ (niệm) thì tâm liền xuất hiện. Cứ như vậy chúng ta tiếp tục quan sát tâm. Vì vậy, Phật Giáo dạy cách quan sát tâm thay vì tìm cách để làm xoa dịu tâm. Nếu không thấy tâm đồng nghĩa là vô minh, mà nếu đã là vô minh thì thiền định bạn thực hành sẽ biến thành thiền vô minh! Vì sao lại vậy? Vì trí tuệ sanh do sự thấy và biết, còn trụ tâm chết trong đề mục thì chỉ sanh ra lạc chấp. Nếu chỉ tham đắm chấp lạc thì đừng mong trí tuệ sanh, vì lạc cũng chỉ là tâm, mà chấp chính là tham, nếu vậy thì chỉ sanh vô minh. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy thiền định nhưng không cho tham chấp vào thiền định, mà chỉ là bàn đạp cho sự minh sát.
Trích Bài Giảng Pháp Ngày 15/10/2017 Của Đức Pháp Vương H.H 17th Kadam Kyabje Dongchen Chotrul Rinpoche (Losang Chogyal Tenzin Yeshe Norbu)